Kết quả trên theo báo cáo Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng (CCI) quý III năm 2015 do hãng nghiên cứu Nielsen vừa công bố. Cũng theo báo cáo này, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tiết kiệm nhất thế giới, với 78% người tiêu dùng khẳng định ưu tiên để dành tiền cho việc tiết kiệm thay vì chi tiêu.
Với đặc điểm này, người tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là những người tiết kiệm thông thái. Họ chính là động lực để các ngân hàng và các tổ chức tài chính liên tục đưa ra các chương trình nhằm chiếm lĩnh ưu thế trên thị trường, cũng như liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ để tạo cảm tình với khách hàng.
Với xuất phát điểm ban đầu khá đơn giản, chủ yếu mang lại sự tiện lợi cho tổ chức tín dụng hơn là cho khách hàng, người gửi tiền phải thực hiện toàn bộ các bước tại quầy giao dịch, từ mang tiền đến gửi, nhận tiền lãi, rút sổ hay gửi thêm tiền; chưa kể, nếu người gửi vô ý làm mất sổ tiết kiệm thì thủ tục làm lại sổ rất nhiêu khê và mất thời gian.
Từ năm 2009, một số ngân hàng đã cho ra mắt dịch vụ tiết kiệm trực tuyến (online) để khắc phục những bất cập trên. Nhận được sự ủng hộ từ phía khách hàng và với bản chất nhạy bén trong kinh doanh của các tổ chức tài chính, đến nay, trên toàn quốc đã có hơn 30 ngân hàng tham gia cung cấp dịch vụ tiết kiệm online.
“Tiết kiệm trực tuyến sẽ là xu hướng chính của các ngân hàng trong tương lai, thay thế dần cho các giao dịch tại quầy chi nhánh. Trên thế giới, tỷ trọng gửi tiết kiệm online đang chiếm khoảng 70%, trong khi trực tiếp tại chi nhánh chỉ là 30%”, đại diện ngân hàng VPBank cho biết.
Thay vì phải mất thời gian tìm hiểu khả năng sinh lời của những khoản tiền tiết kiệm (cân đối trong một ma trận các yếu tố như lượng tiền gửi, thời hạn gửi, ngân hàng gửi, lĩnh lãi cuối kỳ hay định kỳ, lãi suất từng thời điểm…), giờ đây chỉ cần truy cập vào website của các ngân hàng là nhìn thấy ngay con số tiền lãi cụ thể.
Tiết kiệm online khiến người dân thoát khỏi những phiền toái cố hữu trước đây: không còn phải đến tận nơi, không còn nỗi lo hết giờ giao dịch, không phải xếp hàng, không lo mất sổ, không cần đăng ký chữ ký, thậm chí, ngay cả nỗi lo mới nổi lên gần đây như bị lừa giao sổ tiết kiệm giả mạo để chiếm đoạt tiền, hoặc bị lợi dụng để ký khống giấy tờ và bị rút tiền mà không biết, hoặc sổ tiết kiệm bị ghi nhầm thông tin mà không để ý… cũng đã được giải quyết với loại hình sản phẩm này.
Với lợi thế ra đời sau và được cộng hưởng lợi ích bởi sự phát triển các công nghệ hiện đại, tiết kiệm online không chỉ giúp tiết kiệm tiền một cách hiệu quả nhất, mà còn tiết kiệm cả thời gian, loại tài sản không sinh sôi mà chỉ hao hụt dần đi, tài sản vô cùng quý giá với cuộc sống bận rộn hiện nay.
Nếu đã thử gửi tiết kiệm online, không ai có thể “chê” những tiện ích nổi trội của loại hình này. Tất cả mọi thao tác (như gửi tiền, rút tiền định kỳ hoặc đột xuất, gửi thêm tiền, lĩnh lãi…) đều thực hiện qua mạng internet, đồng nghĩa với việc người dùng không bị phụ thuộc về mặt không gian và thời gian; không lo bị lừa đảo, bởi không có ai khác can thiệp vào quá trình; không lo về tính bảo mật, bởi bất cứ thao tác nào cũng đều được “lưu vết” tự động trên hệ thống và toàn bộ mật khẩu đều do cá nhân tự tạo cũng như tự lưu trữ; không lo mất tiền tiết kiệm mà không biết vì mọi biến động tài khoản tiết kiệm đều được thông báo lập tức đến người gửi…
Đứng ở góc độ công nghệ, tiết kiệm online an toàn hơn so với tiết kiệm truyền thống nhờ công nghệ xác thực, bảo mật nhiều lớp và an toàn dữ liệu. Mọi dữ liệu của giao dịch đều được lưu giữ và backup trên một hệ thống thông tin liên kết toàn cầu, dữ liệu gần như được an toàn một cách tuyệt đối ngay cả khi xảy ra thiên tai, thảm họa.
Sự cố chỉ xảy ra khi khách hàng để lộ những thông tin bảo mật, nhưng ngay cả như vậy thì vẫn có đáp án giảm thiểu thiệt hại bằng cách gọi điện ngay cho ngân hàng để nhờ hỗ trợ. Trong khi sổ tiết kiệm vật lý có thể bị hủy hoại, làm giả, thất lạc hoặc do các yếu tố rủi ro khác xuất phát từ chính sự lơ là của khách hàng.
Đặc biệt, lãi suất tiết kiệm online bao giờ cũng cao hơn từ 0,1 đến 0,2% so với loại hình tiết kiệm truyền thống cùng đặc điểm, đó là chưa kể hàng loạt các chương trình tặng quà kèm theo. Đơn cử như chương trình quay số trúng thưởng xe SH của Sacombank, gửi tiền trúng Vespa của NCB, hay Techcombank với Quay số trúng xe Yamaha. Sáng tạo hơn chút thì có VPBank với quà tặng là hàng chục nghìn mũ bảo hiểm nam-nữ thời trang, trong đó 3 giải đặc biệt là mũ bảo hiểm gắn logo trị giá gần bằng 2 lượng vàng 9999 (tương đương khoảng 70 triệu đồng/mũ).
Điều này cho thấy, các ngân hàng đang chạy đua để thu hút khách hàng, và có vẻ như khách hàng cũng khá hào hứng với loại hình văn minh và tiện dụng này. Theo số liệu của VPBank, từ thời điểm ngân hàng này đưa ra sản phẩm tiết kiệm gửi góp Easysavings trên online, lượng tài khoản tiết kiệm mở mới tăng đều 200% hàng tháng và nhận được sự đánh giá cao của khách hàng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình này có tiềm năng phát triển rất tốt trong thời gian tới, trong bối cảnh khách hàng ngày càng đề cao tính năng nhanh gọn, tiện lợi và Nhà nước cũng đang khuyến khích việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong một hội thảo về ngành ngân hàng, ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, với dân số trẻ và số người sử dụng internet ngày càng gia tăng, xu hướng tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin vào sản phẩm ngân hàng là xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, để phát triển mạnh hơn dịch vụ trực tuyến, ngân hàng Việt Nam sẽ phải khắc phục nhiều điều. Thứ nhất là trở ngại về tâm lý người dùng Việt Nam, vẫn còn e dè với các dịch vụ thanh toán, giao dịch qua internet và vẫn duy trì thói quen tiêu dùng tiền mặt. Thứ hai là ngân hàng phải đầu tư một lượng vốn lớn để luôn hiện đại hóa công nghệ, nâng cao tính bảo mật và chọn được một đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có trình độ để quản trị, vận hành hệ thống…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét