Trong những năm gần đây, với sự bùng nổ mạnh mẽ của Internet và các công cụ thanh toán điện tử, thẻ tín dụng đang dần trở thành một trong những vật bất ly thân của con người. Xu hướng này đã nhanh chóng lan rộng tại các nước phát triển, nổi bật như Canada, nơi tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong tiêu dùng đã lên đến hơn 90%, hay thậm chí là cả Đức, quốc gia vốn được xem như “thiên đường tiền mặt”.
Trước đây, khách du lịch và các doanh nhân đến Đức đã rất ngạc nhiên khi việc sử dụng thẻ tín dụng của họ để thanh toán tiền mua bia, vé tàu điện ngầm hay thậm chí là một hóa đơn nhà hàng lại không được "chào đón". Trong một thời gian dài, tâm lý thiếu lòng tin đối với những chiếc thẻ tín dụng đã khiến Đức trở thành một “ông vua” về tiền mặt. Tại đây, mỗi người dân trung bình sẽ mang theo khoảng 103 euro (113 USD) trong ví. Lý giải về hiện tượng này, chuyên gia Ulrich Binneboessel thuộc Liên đoàn bán lẻ Đức HDE, cho hay “thẻ là hình thức thanh toán tốn kém nhất đối với các cửa hàng, trong khi họ gần như không mất gì khi giao dịch bằng tiền mặt”.
Reinhard, một công dân sống tại bang Hessen của Đức, cho hay việc thường xuyên mang tiền mặt theo người giúp anh xác định được chính xác số tiền mà mình đang có, đồng thời tránh được rủi ro bị tính những khoản phí lớn mà anh chỉ được biết sau khi đã nhận hóa đơn. Bên cạnh đó là những quan ngại về nguy cơ bị tin tặc và kẻ trộm lấy mất thông tin cá nhân. Điều này cho thấy an ninh và sự riêng tư là ưu tiên cao độ đối với người dân Đức, vốn luôn được biết đến như những người tiêu dùng thận trọng và có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với các khoản nợ.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank, các giao dịch bằng tiền mặt chiếm đến hơn một nửa (53%) tổng số tiền chi tiêu cá nhân tại quốc gia này. Đây là một trong những tỷ lệ cao nhất trong nhóm các nền kinh tế tiên tiến. Còn nếu tính theo số lượng giao dịch thì con số này dao động quanh mức 79%, mặc dù hầu hết người Đức đều sở hữu thẻ ghi nợ, một loại hình thanh toán được chấp nhận rộng rãi hơn so với thẻ tín dụng. Thậm chí, có đến 1/3 số người được hỏi cho biết họ chỉ sử dụng tiền mặt trong các giao dịch, cao hơn nhiều so với các nước phương Tây khác. Đối với những người đã về hưu, tỷ lệ này còn đặc biệt cao hơn nữa.
Tuy nhiên, dù được coi là “đất sống” của tiền mặt nhưng Đức, cũng như bao quốc gia khác, không tránh khỏi vòng ảnh hưởng rộng lớn của “cơn bão” công nghệ. Tại đây, những người trẻ tuổi bắt đầu có xu hướng ưa chuộng những phương thức thanh toán mang lại nhiều thuận lợi như thanh toán điện tử. Trong một động thái được cho là mang tính cách mạng đối với Berlin, hai chuỗi bán lẻ “khổng lồ” của Đức là Lidl và Aldi trong tháng 8/2015 đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng thẻ Visa và MasterCard tại nước này, "nối gót" Media Markt và Saturn, hai chuỗi siêu thị điện tử đã ra quyết định tương tự hồi cuối tháng 5. Không những thế, kể từ mùa thu năm nay, Media Markt và Saturn cũng sẽ cho ra đời dịch vụ cho phép khách hàng thực hiện thanh toán bằng hình thức quét thẻ hoặc điện thoại di động. Chuyên gia nghiên cứu Horst Rueter thuộc Viện nghiên cứu EHI nhận định Đức bây giờ đã không còn là một quốc gia chỉ có tiền mặt nữa. Có lẽ người Đức cần nhiều thời gian hơn các nước khác để chấp nhận những lợi ích của hệ thống thanh toán mới.
Tại Đức, có đến 20% thanh niên trong độ tuổi từ 14 - 29 đã áp dụng hình thức thanh toán sử dụng điện thoại thông minh, theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội công nghệ thông tin Bitkom. "Với kỹ thuật hiện có, tiền xu và tiền giấy đã trở nên lỗi thời" Peter Bofinger, một chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Đức về các chính sách kinh tế, nhận định.
Ngân hàng Bundesbank cho rằng trong thời gian trung hạn, độ "phủ sóng" của tiền mặt trong các giao dịch thanh toán tại Đức sẽ giảm xuống chỉ còn chưa đến 50% song sẽ không thể biến mất hoàn toàn do đối với người dân nước này, đây vẫn là một loại hình thanh toán linh hoạt. Theo chuyên gia Horst Rueter thuộc Viện nghiên cứu EHI, mỗi quốc gia có những đặc điểm văn hóa, nhu cầu và nhận thức riêng, do đó cũng sẽ có những hình thức thanh toán riêng. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi theo thời gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét