Tại Hội thảo toàn cầu về công nghệ, giải trí và thiết kế (TED) tổ chức tại Vancouver (Canada), chuyên gia hóa học Joseph DeSimone đã giới thiệu một mẫu máy in 3D mới có khả năng biến dung dịch kim loại lỏng thành các sản phẩm hữu hình, tương tự như cách robot T-1000 sống lại từ vũng nước bạc trong bộ phim "Terminator 2".
Công nghệ tên gọi Sản xuất Giao diện lỏng liên tục (Continuous Liquid Interface Production - CLIP) sử dụng sức mạnh của ánh sáng và ôxy trong một chiếc máy in có khả năng tạo ra đồ vật từ vật chất lỏng đàn hồi với đặc tính phức tạp.
Theo ông DeSimone, các máy in 3D hiện tại hoạt động trên cơ chế phun từng lớp chất liệu lên nhau, từ đó dần dần tạo ra các đồ vật trong nhiều giờ. Công nghệ này thực chất chính là in 2D nhưng diễn ra liên tục và lặp đi lặp lại. Điều này buộc các máy in 3D hiện tại cần rất nhiều thời gian để có thể in xong một sản phẩm, khiến cho việc sử dụng resin (keo nhựa dẻo) trong kỹ thuật này là không khả thi do resin sẽ thay đổi tính chất hóa học trước khi chu trình in kết thúc. Trong khi đó, CLIP được thiết kế có tốc độ nhanh hơn 25-100 lần so với các máy in 3D thông thường và có thể sử dụng keo nhựa tổng hợp có đặc tính hóa học đủ mạnh để trụ lại tới khâu cuối cùng.
DeSimone cho biết, nếu phát triển thành công, CLIP có thể tạo ra thay đổi lớn đối với hoạt động sản xuất trên diện rộng, từ ôtô, máy bay và turbine tới sản xuất phục vụ nha khoa và phẫu thuật cấy ghép trong khám chữa bệnh. Hiện các bản mẫu của công nghệ mới nhất này đang được nhiều hãng khác nhau thử nghiệm như một công ty ôtô, một hãng sản xuất quần áo thể thao, một xưởng thiết kế Hollywood và một phòng thí nghiệm nghiên cứu.
Kỹ thuật in 3D xuất hiện vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước khi lần đầu tiên được sử dụng để tạo ra các sản phẩm chất dẻo. Trong những năm gần đây, công nghệ này ngày càng phát triển mạnh và các công ty đã có thể sử dụng công nghệ in 3D để tạo hình những vật thể phức tạp từ kim loại, như titan hay nhôm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét