Ếch "biến hóa" thằn lằn chỉ có ở Việt Nam

Cùng các cập nhật: Bản đồ não bộ đầu tiên, phát minh gạch làm từ... giấy.

Ếch "biến hóa" thằn lằn chỉ có ở Việt Nam

Đó là những con vật được xếp vào nhóm động vật lưỡng cư như ếch nhái, nhưng lại có ngoại hình rất giống với các loài thằn lằn...


Cá cóc Tam Đảo (Paramesotriton deloustali) là đại diện nổi tiếng nhất trong số các loài lưỡng cư kỳ lạ này.

Chúng là một loài động vật đặc hữu của Việt Nam, chỉ được tìm thấy ở vùng núi Tam Đảo, Tuyên Quang và Thái Nguyên.

Con cá ngoại hình giống với thằn lằn hơn là ếch, với chiếc đuôi dài và 4 chân ngắn, không thể nhảy được.

Cá cóc Tam Đảo sống ở những vực nước sâu và trong, hoạt động và kiếm ăn ban ngày.

Thức ăn của chúng là các loài sâu bọ, nhện, giun, nòng nọc, ếch nhái con và rong rêu.

Một điểm đặc trưng của cá cóc Tam Đảo là phần bụng sặc sỡ màu đỏ với những đường xám đen nối với nhau tạo thành hình mạng vân đỏ nên chúng còn có tên là cá cóc bụng hoa.

Loài lưỡng cư này là đối tượng bị săn lùng ráo riết để làm thuốc hoặc làm sinh vật cảnh cho những người thích nuôi động vật lạ.

Trong thiên nhiên, số lượng cá cóc Tam Đảo còn lại rất ít và chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng.

(Nguồn tham khảo: Kienthuc/ Arkive)

Bản đồ đầu tiên về hoạt động của bộ não

Một nhóm nghiên cứu đến từ trường ĐH California (Mỹ) đã tạo ra bản đồ đầu tiên về cách thức bộ não tổ chức phân loại và xử lý thông tin khắp vỏ não.

Bản đồ nhìn chung cho thấy, vỏ não người được chia làm 30.000 tiểu khu khác nhau để phụ trách và xử lý hơn 1.700 mục thông tin về vật thể và hoạt động khác nhau.

Mối quan hệ giữa các mục phân loại thông tin trong bản đồ não được thể hiện khá rõ ràng, chẳng hạn như thông tin về con người và động vật có cùng “nơi cư trú ngữ nghĩa”.

Các loại thông tin kích hoạt cùng một khu vực não được biểu thị bằng những màu sắc tương đồng. Chẳng hạn như, con người màu xanh lục, động vật màu vàng, phương tiện giao thông màu hồng và tím, còn các tòa nhà màu xanh dương.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, bộ não đã tổ chức rất hiệu quả việc xử lý đa dạng các loại thông tin trong một không gian bó hẹp.

Thay vì mỗi vùng não nhất định được phân chịu trách nhiệm về một loại thông tin nào đó như kết luận nhiều nghiên cứu trước đây, hoạt động não thực tế được tổ chức dựa vào mỗi quan hệ giữa các mục thông tin.

Việc hiểu rõ hơn về quá trình này được cho là có thể giúp chẩn đoán, chữa trị các bệnh rối loạn về não. Đồng thời, nó có thể được ứng dụng để tạo ra các giao diện tương tác giữa bộ não người - máy móc như các hệ thống nhận diện mặt và hình ảnh khác.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Phát minh gạch làm từ... giấy

Các nhà khoa học tại ĐH Jaen (Tây Ban Nha) đã nảy sinh ý tưởng biến giấy thải thành những viên gạch dùng trong xây dựng.

Để tạo ra sản phẩm đặc biệt hữu dụng này, đầu tiên các nhà nghiên cứu phải tập hợp chất thải cellulose và một loại bùn còn sót lại sau quá trình sản xuất giấy tại các nhà máy. Những chất này sẽ được trộn với đất sét sau đó nén lại thành thanh dài hình chữ nhật. Chúng sẽ được cắt thành các viên gạch và nung lên.

Loại gạch đặc biệt này không cần nung lâu như gạch truyền thống. Nếu chúng được sản xuất đại trà và đưa vào thực tế sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí năng lượng và sản xuất. Ngoài ra, nhà xây bằng loại gạch này cách nhiệt rất tốt do đặc tính dẫn nhiệt thấp của vật liệu.

Tuy nhiên, sức chịu lực cơ học của gạch giấy chưa cao chính là hạn chế lớn nhất của sản phẩm. Các nhà khoa học hy vọng có thể khắc phục nhược điểm trên bằng cách thêm các chất thải từ quá trình sản xuất bia, dầu oliu hoặc dầu diesel...